Tuesday 1 January 2013

Trích một đoạn của chương Sáu trong bộ Kinh Pháp Hoa Giảng Giải do soạn giả Lê Sỹ Minh Tùng

 
Adobe Flash Player not installed or older than 9.0.115!
Get Adobe Flash Player here

Bấy giờ Thế Tôn bảo đại chúng:
-Ma-ha-ca-diếp ở đời vị lai sẽ phụng thờ 300 muôn ức Phật, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói vô lượng đại pháp của chư Phật. Thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang Minh đủ mười đức hiệu. Nước tên là Quang Đức.
Kiếp tên Đại Trang Nghiêm. Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế 20 tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp không có các thứ dơ xấu, không sạch. Đất đai bằng thẳng, lưu ly trong suốt, cây báu thẳng hàng, vàng ròng làm dây trang trí bên đường, hoa báo thơm đẹp tung rải khắp nơi. Bồ tát và Thanh văn số đông vô lượng. Dầu có ma và dân ma, nhưng không có việc ma, họ luôn luôn hộ trì Phật pháp.
Trong chương thứ ba phẩm Thí Dụ, đức Phật đã thọ ký cho ngài Xá lợi Phất sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai trong thế giới Ly Cấu. Đến phẩm này, đức Phật dạy ông Đại Ca Diếp phụng thờ 300 muôn ức Phật thì mới được thành Phật. Thâm ý Phật như thế nào? Lẽ nào có thể tìm ra được chừng ấy đức Phật trong cõi tam thiên đại thiên thế giới được hay sao? 300 muôn ức Phật là con số gần như vô lượng thì làm sao có được, không lẽ kinh viết sai? Tinh thần Pháp Hoa là tư tưởng thâm diệu tức là nói về Lý Thể chớ không phải Sự Tướng. Vì thế không có vần đề phải đi tìm từ vị Phật này đến vị Phật kia cho đến khi phụng thờ, cúng dường đủ 300 muôn ức Phật thì mới chính thức thành Phật. Nếu thế thì ý nghĩa thế nào? Phật mà kinh nói ở đây chính là Phật tánh, là Tri Kiến Phật, là Chơn tâm thường trú - Thể Tánh Tịnh Minh, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm thường trụ ở trong ta cho nên chúng sinh khỏi cần phải đến hành tinh nầy hay thế giới nọ để tìm bất cứ vị Phật nào cả. Thêm nữa, bản hoài của chư Phật thị hiện trong bất cứ thế giới nào không phải là để cho chúng sinh cúng dường, cung kính, ngợi khen mà nguyên nhân các Ngài ra đời là để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình và nương theo Phật thừa mà tu thành Phật. Dựa theo giáo lý Phật Đà, mặc dù chúng sinh có cúng dường vô lượng phẩm vật cho chư Phật thì các Ngài cũng không có chú nguyện ban phước gì cho ai được. Thật vậy, Phật không ban phước cho chúng sinh, nhưng vì chúng sinh tự mình gieo biết bao nhân lành (phước đức) thì theo luật nhân quả một ngày nào đó họ sẽ thọ lãnh quả lành chớ không phải phước đức là do Phật ban cho.
Cái cốt lũy ở đây là những hạnh nghiệp như cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói vô lượng đại pháp của chư Phật chẳng qua là đang đi trên con đường giải thoát mà nhà Phật gọi là “xứng tánh khởi tu” nghĩa là tất cả những việc làm lành, làm thiện đó phù hợp với chân lý tức là “tùy thuận pháp tánh” cho nên con người quay về sống gần, sống đúng với Chơn tánh của mình. Vì thế phụng thờ 300 muôn ức Phật có nghĩa là thể hiện vô lượng vô biên những hạnh nghiệp hướng về Chân tánh của mình đó. Thế thì ý nghĩ tốt, lời nói thiện, việc làm lành là những hạnh nghiệp đưa chúng sinh sớm trở thành Phật chớ không phải đi hết chùa này rồi đến chùa nọ để cúng Phật mà tham sân si không bỏ, tập khí không chừa thì biết đến bao giờ mới thành Phật. Tại sao? Bởi vì Tánh của vạn pháp không hề có tham sân si, không có phiền não cho nên làm tất cả việc lành, việc thiện, việc phước là thực hành đúng và hợp với chân lý tức là mình đang sống tùy thuận với pháp tánh đó. Còn nếu chúng sinh thực hành rốt ráo lục độ vạn hạnh như Bố thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Tuệ thì chính họ đã trở về với Phật tánh thanh tịnh vốn sẵn có của mình chớ không thành cái gì hết. Vì vậy cho dù có làm bao nhiêu việc lành, có giảng bao kinh Phật, có bố thí, trì giới…một cách trọn vẹn chẳng qua là trở về với Phật tánh vốn có của mình nên mới gọi là xứng tánh khởi tu tức là tự mình trở về với đức tánh thánh thiện của mình vậy thôi chớ không có vị Phật nào ban phước gì cho ai hết. Nói cách khác cúng dường Phật ở đây là cung dưỡng Pháp tánh, cung dưỡng Phật tánh, là tánh thanh tịnh bản nhiên vốn có của mình chớ không tìm vị Phật xa xôi nào ở đâu cả.
Dưới con mắt của phàm nhân thì có thành Phật vì Phật có Vô thượng Bồ Đề, Vô thượng Niết bàn tức là có giải thoát tự tại, nhưng thật chất thì thành Phật là trở về với Phật tánh vốn có của mình sau khi đã hóa giải hết vô minh phiền não thế thôi cũng như một khi rữa sạch hết bùn nhơ thì chất vàng hiện ra bởi vì chất vàng bị che lấp bởi bùn nhơ vô minh phiền não. Vì thế, nói thành Phật chớ kỳ thật không thành cái gì hết, chỉ là trở về với Phật tánh thanh tịnh vốn có của mình vậy thôi. Điều này đã được xác định trong kinh Bát Nhã, Duy Ma Cật, Viên Giác, Kim Cang, đặc biệt câu:”Dĩ vô sở đắc cố” trong Tâm Kinh đó sao. Tất cả hiện tượng vạn pháp đều phát nguyên từ bản thể chơn như mầu nhiệm, nhưng con người phải lìa văn tự, ly ngữ ngôn, hồi quang phản chiếu để thấy được bản tâm thanh tịnh thì Bồ-đề, Niết bàn mới hiển lộ. Tuy nhiên, người đệ tử Phật khi tu hành thì muốn được chứng đắc nên dùng tâm muốn lấy, muốn kiến, muốn đắc cho nên họ lại lọt vào vọng rồi. Thí dụ, tham thiền để muốn được kiến tánh tức là kiến tánh thành Phật hay niệm Phật để muốn được nhất tâm thì tâm này là vọng tâm. Tại sao? Bởi vì Phật của mình đã thành sẵn rồi chớ không phải khi kiến tánh mới đắc được, do vậy mà chư Tổ đã dạy rằng : ”Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” là vậy. Nếu còn hy vọng chứng đắc là vọng.Người đệ tử Phật phải tin rằng mình đã sẵn có diệu tâm, Tri Kiến Phật sáng tỏ, không phải do tu mới thành, do chứng mới đắc. Tất cả kinh điển của Phật chỉ là phương tiện dùng để phá tư tưởng chấp thật của mình. Vì thế, khi thức tỉnh thì mới biết mình có tất cả. Tự tánh Bồ-đề, tự tánh Niết bàn thì lúc nào cũng sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh cũng như mây tan thì trời sáng hay đào ao có nước thì ánh trăng sẽ hiện mà không cần phải trông chờ mong đợi gì hết.
Khi Tôn giả Đại Ca Diếp thành Phật hiệu là Quang Minh nghĩa là thân Ngài phóng ra kim quang và cõi nước tên là Quang Đức vì nhân dân trong nước đó đều có quang minh và đức hạnh. Phật Quang Minh tuổi thọ 12 tiểu kiếp và Chánh pháp trụ 20 tiểu kiếp. Mỗi tiểu kiếp là 16.8 triệu năm cho nên 12 tiểu kiếp là 201.6 triệu năm. Không lẽ Phật Quang Minh sống lâu đến trên 200 triệu năm? Kinh có nói quá không vì không có con người nào sống lâu như vậy chẳng những không phù hợp với khoa học mà còn thiếu thực tế? Đó là chưa kể đất đai bằng lưu ly, nhà cửa làm bằng vàng ròng, trân châu, mã não…Vàng bạc kim cương ở đâu mà nhiều thế? Thế giới diễn tả trong đoạn kinh này giống y như cảnh tượng trong thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Vậy hư thật thế nào?
1)Trong thế giới Ta Bà chúng ta đang sống thì những loại như vàng bạc, pha lê, kim cương, mã não, san hô, xà xừ…trở thành quý báu bởi vì chúng rất hiếm, rất khó kiếm, rất mắc tiền. Chỉ có những người giàu, quyền quý, vương gia vọng tộc mới có thể mua sắm những thứ đó. Nhưng thử nghĩ lại, nếu tất cả nhà cửa, đường xá, lầu đài, cỏ hoa, xe cộ, bát chén đều làm bằng vàng bạc, pha lê, kim cương, mã não thì nó đâu còn quý hiếm nữa. Thí dụ, ngày xưa vua Lê than thở với Trạng Quỳnh rằng ngày nào cũng ăn toàn cao lương mỹ vị và những món hiếm có trên đời nên ăn mãi đâm ra chán, chẳng thiết tha đến nó nữa. Nghe thế Trạng Quỳnh mời nhà vua ngày mai đến nhà, thiết đãi một món ăn rất đặc biệt sẽ làm nhà vua hài lòng. Y hẹn, nhà vua đến từ sáng sớm rồi chờ. Trạng Quỳnh nói món này rất hiếm nên phải nấu lâu nhà vua cảm phiền uống trà đợi. Sáng qua, chiều đến mà món ăn quý chưa dâng lên cho vua. Chiều qua tối sắp đến, bụng nhà vua cồn cào như sóng vỗ trường giang vì từ sáng đến giờ chỉ uống toàn nước trà. Tối đến, nhà vua chịu hết nổi mới bảo Trạng Quỳnh đem đại bất cứ món nào cũng được. Khi ấy người nhà mới đem ra tương rau cải luộc. Quá đói nên nhà vua ăn rất ngon. Vì thế cái quý không phải là vàng bạc mà vì nó hiếm có cho nên nếu rau luộc mà khó kiếm thì nó sẽ trở thành quý báu chớ không nhất thiết phải là vàng bạc. Bây giờ nếu nhìn sâu một chút thì cho dù là vàng bạc, kim cương, hột xoàn hay là gì đi chăng nữa thì tất cả vẫn là pháp hữu vi. Hãy lắng nghe bài kệ Phật nói trong kinh Kim Cang rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán”.
Dịch là
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng
Như sương, như điện chớp,
Nên quán tưởng như thế.
Thế thì vàng bạc, kim cương, hột xoàn, lưu ly, trân châu, mã não...chẳng khác nào như giấc mộng, như huyễn hóa, như bọt nước, như bong bóng trời mưa, như làn sương buổi sáng, như ánh điện chóp nhanh, có đó rồi mất đó, rốt cuộc chẳng có gì. Người giác ngộ nào chẳng biết điều này.
Tóm lại, ở đây Phật dùng phương tiện, nói cho đẹp lòng vừa ý để dẫn dụ chúng sinh ham thích mà cố gắng tu hành. Bởi vì khi đã thâm nhập giáo lý Phật Đà thì “Tùy kỳ tâm tịnh, Tắc Phật độ tịnh. Dục tịnh Phật độ, tiên tịnh kỳ tâm” nghĩa là một khi có tâm thanh tịnh thì thế giới mình đang sống chính là cõi Tịnh độ. Mà muốn có cõi Phật thanh tịnh như thế, trước hết phải gạn lọc cho hết vô minh phiền não thì tâm mới thanh tịnh được. Bằng chứng là đức Phật Thích Ca vẫn sống trong thế giới này mà Ngài vẫn có Vô thượng Bồ Đề, Vô thượng Niết bàn đấy chứ. Thế giới này đối với Ngài là cõi Phật Tịnh độ đấy chứ. Ngày xưa đức Phật xuất thân là vị Thái tử quyền uy danh vọng cao sang thế mà khi xuất gia thì Ngài bố thí tất cả để trở thành người khất sĩ. Do đó triết lý cao thượng của đạo Phật là đi ngược lại với cuộc sống của thế tình. Những gì thế gian xem là cao quý thì nhà Phật coi như cỏ rác. Còn những gì mà thế nhân khó thực hành thì nhà Phật mới cho là cao quý. Do đó, nếu nói về vật chất thế gian thì bảy báu là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, trân châu, san hô và mã não. Nhưng diệu ý ở đây, bảy báu là bảy con đường thiện xão chuyển con người từ mê đến giác, từ phàm đến Thánh. Đây chính là Thất Thánh Tài và gồm có: Giới, Tín, Văn, Sám hối, Tinh tấn, Buông xả và Trí tuệ.
Vànglà vật cao quý chẳng khác gì Giới
Bạclà sự thay trắng đổi đen nên ám chỉ cho Tín tức là lòng tin vào Phật pháp, không còn nghi ngại.
Lưu lylà lưu chuyển tượng trưng cho Văn tức là tánh nghe.
Xà cừcó hình tướng xấu xa nên ám chỉ cho Sám hối.
Trân châulà thanh cao tượng trưng cho Tinh tấn.
San hôthì tượng trưng cho Buông xả.
Mã nãothì sáng chói tượng trưng cho Trí tuệ.
Thất Thánh tài nói lên quá trình tiến tu của người Phật tử bằng cách giữ gìn giới hạnh để tâm được thanh tịnh rồi mới phát khởi lòng tin vào Chánh Pháp vì Phật đã khẳng định rằng ai ai cũng có khả năng thành Phật nếu tinh tấn tu hành. Nếu có được công đức thì nên buông xả, pháp thí hết bằng cách hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Con đường Phật đạo viên mãn là người Phật tử phải biết ăn năn sám hối làm lành tránh dữ và vung bồi công đức thì trí tuệ sẽ phát sinh. Có trí tuệ tức là thấy được Chân lý. Mà muốn thấy được Chân lý thì con người phải có đủ nghị lực để lìa bỏ, buông xả và hy sinh những của cải cao quý tạm bợ của trần gian để vào Thánh đạo bằng cách tích tụ hằng hà công đức, giữ tâm thanh tịnh và dựa theo Thất Thánh Tài thì mới thành tựu.
2)Phật Quang Minh có thể sống trên 200 triệu năm?
Dựa theo tư tưởng của kinh Hoa Nghiêm (Gandavyuha), đức Phật bây giờ không còn là người sống trong thế giới có nhận ra giữa những giới hạn của thời gian và không gian. Trong thế giới tâm linh này, khái niệm về thời gian hoàn toàn bị xóa bỏ. Phật trong Hoa Nghiêm không có trong thời gian liên tục nghĩa là quá khứ, hiện tại và vị lại được cuộn tròn trong cái khoảnh khắc giác ngộ hiện tại này. Đây chính là Trí Huệ Phật (Phật tánh) của tất cả mọi người. Vì Phật nói ở đây là Trí Huệ Phật thuộc về thế giới vô vi mà ở đó thời gian là vô nghĩa nên kinh có thể nói Phật thọ một trăm triệu, hai trăm triệu năm hay bao nhiêu triệu năm cũng được.
Do đó đối với kinh điển Đại thừa, không thể dựa vào văn tự mà hiểu ngay được cho nên các bậc tôn đức ngày xưa nói rằng:”Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” nghĩa là dựa vào văn tự của kinh điển mà nói theo đó là oan cho ba đời chư Phật, còn rời bỏ kinh điển mà nói cho dù là một chữ cũng là ma nói. Vì thế khi nghe kinh nói vị Phật này thọ trên mấy trăm triệu năm hay quốc độ toàn là vàng bạc trân châu quý báu thì đừng hiểu thẳng như vậy là hàm oan cho ba đời chư Phật bởi vì các Ngài chỉ dùng phương tiện để diễn bày Phật tánh (Trí Huệ Phật) và thâm nghĩa của Thất Thánh Tài chớ trên vũ trụ này không ai sống thọ đến mấy trăm triệu năm bao giờ và cũng không có thế giới nào làm toàn bằng vàng bạc pha lê như thế trong càn khôn vũ trụ này cả, chẳng những nó không phù hợp với khoa học ngày nay mà còn đưa con người sống trong ảo tưởng hoang đường (tưởng tri). Đức Phật chỉ dạy con người phát triển tuệ tri (trí tuệ sáng suốt) chớ không dạy tưởng tri. Khi tâm chưa tịnh thì thế giới mình đang sống sẽ trở thành toàn là gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá, núi non nhơ nhớp dẫy đầy. Nhưng khi mọi vọng tưởng chấp trước không còn, tâm trở thành thanh tịnh thì cũng cái thế gian nhơ nhớp đó bây giờ trở thành nhẹ nhàng thanh thoát, êm diệu. Đây là cách xây dựng cõi Phật thanh tịnh bằng cách bồi dưỡng tâm mình cho thật thanh tịnh. Do đó mỗi khi chư Phật đến đâu thì cõi đó thành thanh tịnh mà họ không có dùng bùa phép hay thần thông gì hết.
Khi lòng không vui, đau khổ thì nhìn đâu cũng ảm đạm, thấy gì cũng chán chường, đen tối ngay cả nàng Kiều còn than thở rằng:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Đôi phen nét vẽ, câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui thì vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Nàng Kiều cũng cầm kỳ thi họa, cũng ngâm cũng vịnh, nhưng chỉ là gượng gạo cho người mua vui chớ lòng mình tê tái chẳng có gì thích thú cả.
Thật vậy, khi vui ăn rau luộc mà còn ngon hơn là sơn hào hải vị, còn lòng lo âu, sợ hãi thì ngậm công danh phú quý như ngậm bồ hòn chớ có chi là sung sướng. Vì thế toàn bộ giáo lý Phật Đà là muốn khuyến khích chúng sinh tự thanh lọc thân tâm của mình cho được thanh tịnh thì cái thế gian họ đang sống tức thì sẽ biến thành thiên đường cực lạc mà khỏi trông chờ mong đợi gì hết. Vì thế Phật giáo nhập thế là phải từ cái thế gian đầy ô nhiễm này mà tự mình thanh lọc thân tâm, quán biết đời là giả tạm, cố gắng buông bỏ mỗi ngày một chút thì hoa sen nơi chính mình sẽ vươn lên và nở rộ. Cho dù đóa sen còn nằm trong bùn, sắp vọt ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước hay đã nở rộ thì tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những đóa sen tươi đẹp, màu sắc rực rỡ và hương thắm dịu dàng.

No comments:

Post a Comment